SUY TIM VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Chia sẻ bài viết

Bệnh suy tim là gì ?

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, suy tim là trạng thái hoạt động của tim không đáp ứng với nhu cầu của cơ thể về mặt oxy. Khả năng co bóp của trái tim bị yếu đi nên khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể không hiệu quả, máu vận chuyển qua tim và khắp cơ thể cũng chậm hơn nhiều so với bình thường và người bệnh thường thấy khó thở, mệt mỏi.

Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu người đang sống chung với căn bệnh suy tim, trong đó 25% tử vong trong năm đầu sau khi được chẩn đoán phần lớn do điều trị không đầy đủ. Hiện nay suy tim được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tái nhập viện trong các bệnh lý tim mạch, làm giảm kỳ vọng sống cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

Trước kia nguyên nhân suy tim chủ yếu là các bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, thì ngày nay nguyên nhân chính do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim giãn. Các nguyên nhân khác bao gồm: Cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng, dò động mạch-tĩnh mạch, do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác. Bên cạnh đó, một số yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng suy tim trở nặng bao gồm: Chế độ ăn nhiều muối, lạm dụng rượu; Không tuân thủ điều trị: bỏ thuốc, uống không đều, tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc; Thiếu máu, mang thai; Dùng thêm các thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh: chẹn canxi (verapamil, diltiazem), chẹn bêta, kháng viêm không steroid, thuốc chống loạn nhịp (nhóm I, sotalol)…

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh cao hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, do các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ suy tim tăng dần theo độ tuổi, khoảng 1% ở nhóm người 55 tuổi và 10% với nhóm trên 70 tuổi.

Dấu hiệu của bệnh suy tim?

Dấu hiệu chính của suy tim thường là khó thở, mệt, phù, đi tiểu ít. 

Người bệnh thường có biểu hiện khó thở khi gắng sức, khó thở phải ngồi dậy để thở và thường kèm theo ho. Hoạt động thể lực bị giảm từ mức độ nhẹ đến nhiều, dễ mệt và yếu sức. Bên cạnh đó sẽ xuất hiện phù hai chân, phù ở mặt hoặc cảm giác nặng mặt. Các dấu hiệu này là hậu quả của tình trạng ứ dịch tại phổi và các cơ quan khác như gan, chi dưới và giảm tưới máu cho các mô trong cơ thể. Ngoài ra, người bệnh thường thấy hồi hộp, đánh trống ngực hoặc có thể thêm dấu hiệu của bệnh nguyên nhân hoặc mắc kèm như đau ngực, rối loạn nhịp tim. Giai đoạn nặng, sẽ có gan to, có dịch trong ổ bụng.

     Theo Hội Tim mạch New York (NYHA) suy tim thành bốn mức độ:

     Độ I: Không hạn chế, vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hoặc hồi hộp.

     Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường (như lên cầu thang) làm mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.

     Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng vận động thể lực nhẹ cũng làm mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.

     Độ IV: Mất khả năng vận động thể lực, triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra cả khi nghỉ, vận động dù nhẹ đều làm tăng triệu chứng.

Các phòng ngừa bệnh suy tim?

Bệnh suy tim có thể gây nên rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho sự sống như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, suy gan, hạ huyết áp, tràn dịch màng phổi, suy thận,... Vì thế, càng phát hiện và chẩn đoán bệnh sớm thì việc điều trị bệnh càng giảm được tỷ lệ tử vong và cải thiện hiệu quả chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Muốn phòng ngừa hiệu quả bệnh suy tim, cách tốt nhất là kiểm soát các điều kiện và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh như: cao huyết áp, động mạch vành, đái tháo đường, béo phì, cholesterol cao,... Ngoài ra, các biện pháp sau cũng sẽ giúp phòng ngừa bệnh lý này:

  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần để phát hiện sớm dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh hoặc bệnh lý có thể gây ra suy tim.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhất là hoa quả tươi và rau xanh, các loại chất chống oxy hoá, vitamin và thực phẩm giàu kali, tránh dùng muối quá 2g/ngày.
  • Nói không với đồ uống có cồn, không hút thuốc lá.
  • Tập luyện đều đặn hàng ngày với cường độ vừa sức rồi tăng dần ít một nhưng không quá sức chịu đựng của cơ thể; tránh các bài tập đối kháng hay hoạt động thể lực mạnh.
  • Những người bị suy tim cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ đồng thời chú ý tái khám đúng hẹn hay khi đã dùng thuốc mà triệu chứng bệnh không cải thiện.

 

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí