HƯỚNG DẪN KIỂM SOÁT TỐT BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI NHÀ

Chia sẻ bài viết

Như thế nào là “kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường”?

Một số người tin rằng kiểm soát tốt nghĩa là không còn cảm thấy mệt mỏi hay không còn triệu chứng của bệnh, một số lại nghĩ rằng chỉ cần uống thuốc, tái khám định kỳ là có thể kiểm soát bệnh. Tuy nhiên bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt là khi bệnh nhân đạt được kiểm soát đường huyết cùng với việc được tầm soát và phát hiện sớm các tổn thương cơ quan nhằm ngăn chặn và điều trị kịp thời. 

  • Việc giữ cho đường huyết trong mục tiêu điều trị nhiều nhất có thể sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm diễn tiến đến các biến chứng dài hạn. Ngoài ra, điều này còn giúp tăng sự tự tin, cải thiện tâm trạng và tình trạng sức khỏe tổng quát. Các chỉ số thông dụng để theo dõi bao gồm:
  • Đường huyết mao mạch (ĐHMM) đầu ngón tay: Kết quả có được bằng cách sử dụng các máy thử đường huyết cầm tay, kiểm tra lượng đường trong mẫu máu lấy tại đầu ngón tay ở bất kì thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, để thuận lợi trong theo dõi và điều trị bệnh, các bác sĩ thường đề nghị thử đường huyết tại thời điểm ngay trước ăn và/ hoặc sau khi bắt đầu ăn 2 giờ (là thời điểm đường huyết cao nhất) vào các bữa ăn trong ngày (sáng – trưa – chiều).  Mục tiêu như sau:
    • ĐHMM trước khi ăn: 80-130 mg/dL (4,4-7,2 mmol/L)
    • ĐHMM 2 giờ sau ăn: dưới 180 mg/dL (dưới 10,0 mmol/L)
  • Đường máu đo bằng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM - Continuous Glucose Monitoring): áp dụng với trường hợp bệnh nhân đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 khó kiểm soát, phụ nữ mang thai có đái tháo đường và người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, nguy cơ hạ đường huyết cao mà việc theo dõi đường huyết quá nhiều lần trong ngày vẫn không cung cấp đủ thông tin về dao động đường huyết. Máy CGM bao gồm một bộ phận nhận cảm nhỏ (sensor), được đặt ở vùng bụng hoặc cánh tay, có thể đo lường mức đường huyết mỗi 5 phút; qua đó thông báo liên tục mức đường huyết trong ngày mà không gây đau đớn hay cản trở sinh hoạt của người bệnh. Các thông số đường huyết được đo liên tục trong ngày cho phép bệnh nhân nhận diện tác động của các loại thực phẩm khác nhau, thuốc và các hoạt động hàng ngày lên chỉ số đường huyết của bệnh nhân như thế nào và hỗ trợ nhân viên y tế trong việc điều chỉnh thuốc và theo dõi điều trị.
  • Chỉ số HbA1c trong mẫu máu tĩnh mạch: chỉ số được các bác sĩ kiểm tra mỗi 3 đến 6 tháng. Chỉ số này giúp đánh giá đường huyết trong vòng 3 tháng, dưới dạng tỉ lệ phần trăm (%). Mục tiêu kiểm soát HbA1c dưới 7% ở hầu hết các trường hợp

Tầm soát & phát hiện sớm các biến chứng: 

  • Biến chứng về tim mạch (cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim)
  • Bệnh thận (đạm trong nước tiểu, suy thận)
  • Biến chứng ở mắt (đục thủy tinh thể, mù mắt)
  • Biến chứng thần kinh (dị cảm, tê tay chân)
  • Nhiễm trùng (da, đường tiểu, lao phổi, bàn chân)
  • Bệnh mạch máu ngoại vi: hay gặp nhất là bệnh mạch máu chi dưới gây hoại tử và phải cắt cụt chi, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh.

Bên cạnh các liệu pháp sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết (uống hoặc tiêm), dưới đây là các liệu pháp về điều chỉnh lối sống, chế độ ăn và vận động hỗ trợ nhanh chóng làm giảm lượng đường trong máu một cách tự nhiên, giúp bệnh nhân đái tháo đường tránh những nguy cơ biến chứng nặng:

  • Uống nhiều nước: nước góp phần vào việc quản lý lượng đường trong máu. Bằng cách tăng lượng nước uống vào, bạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc loại bỏ đường khỏi cơ thể. Cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể không chỉ làm giảm lượng đường trong máu mà còn hỗ trợ các chức năng cơ thể tối ưu. Do vậy, bệnh nhân đường huyết cao nên uống nhiều nước liên tục trong ngày với lượng từ 1,5 - 2,5 lít nước. Không chỉ đem lại lợi ích kiểm soát đường huyết, uống nhiều nước còn có tác dụng cải thiện tốc độ tuần hoàn máu ngoại vi, ngăn ngừa biến chứng như hôn mê, nhiễm toan ceton, tổn thương thần kinh,…
  • Giữ chế độ ăn uống hợp lý: Cho đến hiện tại, đái tháo đường vẫn là một tình trạng bệnh lý bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn, đặc biệt là các thực phẩm ngọt, nhiều đường. Do vậy việc duy trì một chế độ ăn hợp lý là vô cùng quan trọng. Hãy duy trì thói quen ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, và chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Giảm lượng tinh bột, tiêu thụ khoảng 50-60% nhu cầu, và thay thế bằng thực phẩm ít tác động đến đường huyết như khoai tây, gạo lứt. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế (bánh kẹo, nước ngọt) và thực phẩm chế biến có chất béo động vật, thay vào đó sử dụng dầu thực vật tốt cho tim mạch như dầu olive và dầu mè. Ngoài ra, hãy tăng cường chất xơ như củ quả, rau lá xanh, gạo lứt, khoai, các loại đậu và trái cây có vỏ để hỗ trợ ổn định đường huyết.
  • Vận động thường xuyên: vận động không chỉ giúp cải thiện kiểm soát đường huyết mà còn hỗ trợ huyết áp, mỡ máu và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy duy trì thói quen tập luyện phù hợp trung bình 30 phút mỗi ngày, với 1-2 ngày nghỉ mỗi tuần để phục hồi.
  • Kiểm soát stress: căng thẳng tâm lý có thể làm tăng sản sinh hormone cortisol, giảm độ nhạy của insulin và dẫn đến tăng đường huyết. Ngoài ra, stress cũng khiến nhiều bệnh nhân có thói quen ăn uống không lành mạnh, làm tăng nguy cơ biến chứng. Các thực phẩm nên tránh bao gồm đồ ăn nhanh, rượu bia, thuốc lá và cà phê. Việc giảm căng thẳng có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả hơn.

Bên cạnh các biện pháp hướng dẫn kiểm soát đường huyết tại nhà trên, người bệnh nên tự theo dõi đường huyết tại nhà bằng thiết bị chuyên dụng. Nếu đường huyết vẫn tiếp tục cao đến mức nguy hiểm, cần đi thăm khám bác sĩ để được chỉ định điều trị.

Nếu cần tư vấn thêm về sức khoẻ và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, liên hệ với HẢI PHƯƠNG PHARMACY qua Hotline 024.6261.0246 để được hỗ trợ.

 

Bài viết liên quan

Gọi miễn phí
Gọi miễn phí